CHIÊM NGƯỠNG VẺ ĐẸP CỔ KÍNH CỦA CHÙA HANG Ở TRÀ VINH
Là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên Trà Vinh mang một vẻ đẹp riêng biệt thể hiện qua các công trình kiến trúc độc đáo. Trong số những danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng ở Trà Vinh, chùa Hang là một trong những điểm đến đáng tham quan. Chùa Hang không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, mà còn bởi sự độc đáo của sân chim và những tác phẩm điêu khắc mỹ nghệ do chính những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các vị sư nghệ nhân của nhà chùa kỳ công sáng tạo.

Toàn cảnh chùa Hang - Ảnh: Ngô Quang Khôi

Chùa Hang, tiếng Khmer gọi là Kompông Chrây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer nổi tiếng, tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Châu Thành, cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 5 km về hướng nam, theo quốc lộ 54.

Chùa Hang, tiếng Khmer gọi là Kompông Chrây

Khởi nguyên, ngôi chùa này quay mặt về hướng đông, nhìn ra dòng sông Long Bình, nơi có bến ghe xuồng gần bên gốc đa để bà con phum sóc tiện lên chùa nghe kinh, lễ Phật nên có tên Wat Kompong Ch’rây (Chùa Bến Cây Đa). Chùa được thành lập năm 1637 và đã trải qua 22 đời sư trụ trì. Năm 1968 trong sự kiện Tết Mậu Thân, chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Năm 1977, sư Thạch Suông (nay là sư trụ trì đời thứ 23) trở về, và vận động phục dựng lại chùa. Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa trở nên khang trang và bề thế.

Cổng phụ của Chùa

Người dân quen gọi là chùa Hang bởi cổng phụ phía tây, quay ra tỉnh lộ 36 (nay là quốc lộ 54), được xây giống như một hệ thống 3 hang động sát nhau. Trong đó, cổng chính giữa là một hang lớn, hai cổng hai bên là hai hang nhỏ. Cả ba cổng đều được xây kiên cố với bức tường dày 12 m, tạo cảm giác đứng trong cổng như đang trong hang đá.

Cảm giác như đang trong hang đá

Cổng chùa dạng hang vòm không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật tạo sự khác biệt giữa Chùa Hang với các chùa Khmer còn lại trong tỉnh mà còn ẩn chứa giá trị lịch sử tôn giáo sâu sắc. Cổng hang là “vết tích” cho thấy Phật giáo Nam tông Khmer Trà Vinh có sự kế thừa nhất định Bà La Môn giáo, bởi ngày xưa, các tu sĩ Bà La Môn thường lặng lẽ tu luyện trong các hang động thâm u, vắng bóng người qua lại.

Đi vào cổng chùa là hàng cây cổ thụ xanh mát

Chánh điện chùa xây dựng trên nền đất cao, có nhiều bậc cấp dẫn lên, được trang trí lộng lẫy với nhiều hoa văn, họa tiết. Mái của chánh điện được cấu tạo gồm nhiều lớp chồng lên nhau, trên đỉnh là chóp tháp cao vút, uy nghi. Bên trong chính điện là hai hàng cột cao lớn uy nghi, giữa chính điện là bàn thờ. Tượng Phật Thích Ca to lớn đặt trên cao, phía dưới là những tượng Phật Thích Ca nhỏ hơn trong nhiều tư thế khác nhau.

Chánh điện

Phía trước nhà khách và tăng xá là tháp cột cờ, chân tháp có bộ phù điêu 7 đầu rắn thần Naga. Hai bên có bộ bánh xe 12 căm tượng trưng thập nhị nhân duyên. Đối diện với chánh điện chùa Hang là quần thể tượng 12 con giáp, được bố trí hình vòng cung đắp nổi cặp rồng uốn lượn như chiếc thuyền. Đầu rồng ngẩng trên hai trụ đắp phù điêu thần Yak (chằn tinh được Phật cải hóa) và Voi. Nhìn từ bên trái sang là các tượng bao gồm các thần tiên và chằn cỡi chuột, cỡi bò, cọp, thỏ và rồng, tương ứng với Tý - Sửu - Dần - Mẹo - Thìn của người Việt.

Tháp cột cờ

Về phía bên phải cũng theo trình tự gồm các vị thần tiên cỡi dê, khỉ, gà, chó và thần cỡi heo xếp ngoài cùng. Chính giữa có vị thần cỡi đầu rắn Naga và thần cỡi ngựa bố trí sát bình phong. Trên tấm bình phong là một kiến trúc xây tháp 4 mặt có mái che, hai bên có tượng nữ thần Kinnari chống đỡ mái, trên cùng là bộ tượng 8 vị Phật chắp tay.

Chánh điện góc nhìn trên cao

Cũng như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Hang không chỉ là điểm thờ tự, tín ngưỡng mà còn là nơi học tập, giáo dục đạo đức, bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Trong chùa có một trường học khá quy mô và khoảng hai chục nhà sàn nhỏ vừa đủ cho một người ở, người dân Khmer trong vùng thường đến để cầu nguyện, tu tập ở đây.

Kiến trúc mang đậm văn hóa của dân tộc Khmer - Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

So với các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chùa Hang là ngôi chùa không lớn. Sức hấp dẫn của ngôi chùa này đối với du khách gần xa chính ở xưởng điêu khắc gỗ hoạt động gần 30 năm, với nhiều sản phẩm tạo được tiếng vang trên thị trường mỹ nghệ Việt Nam và một “sân chim” được bảo vệ nghiêm ngặt tồn tại sát bên cạnh thành phố Trà Vinh.

Không gian thanh tịnh trong chùa. Ảnh: Phan Minh Huan

Khuôn viên Chùa Hang rộng khoảng 7 ha, thực sự là khu rừng nguyên sinh với nhiều chủng loài thực vật đặc hữu đất giồng cát như sao, dầu, tre, trúc… chen nhau thành nhiều tầng cao thấp khác nhau rất có giá trị về mặt sinh quyển và là nguồn gene tự nhiên cho các thế hệ sau.

Từ đầu thế kỷ XX, khu rừng trong khuôn viên Chùa Hang có rất nhiều dơi quạ trú ngụ. Ban đêm chúng tỏa đi tìm thức ăn, ban ngày thì treo lủng lẳng trên khắp các cành cây. Tuy nhiên, trong chiến tranh máy bay ném bom, bắn pháo vào khuôn viên ngôi chùa, hủy hoại nhiều kiến trúc, gãy đổ nhiều cây xanh và gây thương vong cho một số sư sãi, bà con Khmer trong phum sóc đang lánh nạn trong chùa. Từ đó, những bầy dơi lần lượt bỏ đi.

Chùa được trang trí lộng lẫy với nhiều hoa văn tinh xảo

Sau ngày chiến tranh kết thúc, nhất là từ thập niên 1990 trở lại đây, khuôn viên Chùa Hang lại trở thành nơi quần tụ của nhiều loại chim. Ngay khi có hiện tượng chim quần tụ trở về, sư sãi và bà con trong phum sóc rất vui mừng. Nhà chùa đặt ra những quy định bảo vệ chim và bảo vệ cây rừng rất nghiêm ngặt, tạo ra môi trường tự nhiên an bình cho những đàn chim trở về trú ngụ ngày càng đông hơn.

Ngày nay, trên khuôn viên hơn 7 ha Chùa Hang có đến gần hàng chục ngàn cá thể chim các loại, nhiều nhất là cò trắng, cò ngà, cò cổ đỏ và diệc. Được con người yêu thương bảo vệ, chim ngày càng dạn dĩ hơn. Chúng làm tổ cả trên khu vực cây cảnh mới trồng trước sân chánh điện, nhà tăng xá…

Đến thăm chùa Hang trong chuyến du lịch Trà Vinh, bạn có cơ hội trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân và công nhân xưởng điêu khắc gỗ bằng nhiều dụng cụ khác nhau, chế tác thủ công tạo hình các tác phẩm đặc sắc từ những gốc cây đủ loại, đủ kích cỡ và hình thù. Qua gần 30 năm hoạt động, xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật Chùa Hang đã cho ra đời rất nhiều ngàn tác phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau. Tất cả các tác phẩm từ xưởng điêu khắc gỗ Chùa Hang, dù lớn dù nhỏ, đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Nghệ nhân điêu khắc gỗ

Đến tham quan, du khách có thể chọn mua hoặc đặt hàng cho chuyến tham quan sau những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ mà mình ưng ý nhất.

Đến Chùa Hang, sau khi chiêm bái Đức Phật tọa trên chánh điện, tham quan xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật, du khách có thể dành chút thời gian ngồi trên các băng đá bày rải rác quanh ngôi chánh điện. Trong tầm mắt chúng ta, những cánh chim trời buổi sáng vút lên cao, tỏa đi tìm thức ăn trên những cánh đồng, dòng sông gần đó; Buổi chiều, chúng lần lượt tìm về, mang theo thức ăn cho những cánh chim non đang mong ngóng, tạo ra không khí huyên náo cho cả khu rừng chốn thiền môn yên tĩnh.

Với khoảng 150 ngôi chùa của người Khmer, gần 60 ngôi chùa của người Kinh và người Hoa, du lịch Trà Vinh khách tham quan như lạc vào miền đất Phật, được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh đặc sắc của người Khmer, tham quan và chiêm ngưỡng những am, chùa với nét kiến trúc cổ kính độc đáo. Với những du khách yêu thích tìm hiểu văn hóa tâm linh, Trà Vinh quả là lựa chọn lý tưởng.

Nguồn: thamhiemmekong.com

Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 121
  • Trong tuần: 1 972
  • Tất cả: 2424831
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CHÂU THÀNH
- Đơn vị quản lý UBND huyện Châu Thành, Số 208, đường 2/9, khóm 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đỗ Minh Tiến - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành
- Điện thoại: 02943.872072 - Fax: 02943.872072
- Địa chỉ email: chauthanh@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Châu Thành" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT