Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đoàn kết, thống nhất xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới
Qua 11 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 30/9/2019 xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2021 và giữ vững huyện nông thôn mới đến năm 2025, từ một huyện có nhiều khó khăn, có điểm xuất phát thấp, Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Thành phát huy truyền thống của một huyện Anh hùng trong kháng chiến, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất đã nỗ lực xây dựng thành công huyện nông thôn mới.

Cổng chào đường vào huyện Châu Thành

Theo kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện, đến cuối tháng 10 năm 2021, huyện Châu Thành có 13 xã được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% số xã, trong đó: có 99 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới, đạt 96,12% và 33.826 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa nông thôn mới, đạt 89,59% so số hộ đăng ký, đặc biệt là huyện đã được tỉnh kiểm tra, đánh giá đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương xét công nhận huyện nông thôn mới.

Kế thừa, phát huy thành tựu 35 năm xây dựng và phát triển huyện nhà, sau hơn 11 năm tập trung quyết liệt, huyện Châu Thành đạt tiên chí huyện nông thôn mới với những kết quả nổi bật như sau:

Huyện đã hoàn thành công tác lập quy hoạch vùng huyện và Đề án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đến năm 2040. Hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư nhiều, đạt chuẩn, tổng chiều dài hơn 1.034,4km, đảm bảo kết nối đường ngỏ xóm, đường ra đồng, đường liên ấp, đường trục xã, liên xã, đường huyện, đường tỉnh với Quốc lộ, cải thiện đáng kể điều kiện đi lại, lưu thông cung cầu hàng hóa đáp ứng tốt hơn nhu cầu về giao lưu kinh tế, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân. Ngoài giao thông bộ, đường thủy trong huyện có nhiều tuyến quan trọng, vừa kết nối thuận tiện với giao thông bộ, vừa kết nối giao thông thủy trong vùng và thông ra biển. Từ hệ thống thủy lợi liên xã được đầu tư cơ bản trước năm 1990, có sự tài trợ của Chính phủ Úc qua Ủy ban Mê Kông quốc tế; Ngân sách nhà nước và đóng góp của Nhân dân trong huyện tiếp tục đầu tư thực hiện đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu đã gần như khép kín, vận hành tưới tiêu tự chảy, chủ động nước phục vụ có hiệu quả, góp phần gia tăng đáng kể giá trị sản xuất cho 95% diện tích đất nông nghiệp và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Các công trình điện trung thế, hạ thế và trạm biến áp đầu tư liên xã đảm bảo đạt thông số kỹ thuật, an toàn điện và đạt yêu cầu kỹ thuật trong vận hành với hệ thống điện phân phối liên xã theo quy định của Bộ Công thương, toàn huyện có 40.550 hộ sử dụng điện, đạt 99,72%, trong đó có 40.471 hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 99,81% so tổng số hộ sử dụng điện. Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện là 142.672/151.209 người, đạt 94,35%. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện được đầu tư xây dựng mới, hàng năm tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể thao mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy và học các trường trên địa bàn huyện đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh toàn huyện. Số trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 36/44 trường, đạt 81,81% và có 03/04 Trường Trung học phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 75%.

 

Cống ngăn mặn, trữ ngọt và hệ thống cầu - đường - trường - trạm được quan tâm đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Châu Thành

Về sản xuất, cây trồng chủ lực của huyện Châu Thành được xác định là cây lúa, cây dừa, cây ăn trái, trong đó cây lúa với tổng diện tích sản xuất trên 16.164 ha; đã thực hiện cơ giới hóa đạt trên 97%. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, huyện có nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức công nghiệp quy mô trang trại (nuôi gà, heo, bò), đàn gia súc của huyện được lai tạo với các giống có năng suất và chất lượng cao (hướng ngoại) trên 95%, thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và phòng, chống tốt với các dịch bệnh nguy hiểm trên gia, súc, gia cầm. Về nuôi trồng thủy sản, được xem là thế mạnh của huyện với các đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá lóc, nghêu,... Diện tích và sản lượng nuôi thủy sản tăng qua các năm, diện tích nuôi thủy sản năm 2020 đạt 4.186 ha, sản lượng đạt 16.291,67 tấn, tăng 10,33%/năm. Hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước được đổi mới, hiện đại; Kinh tế tập thể từng bước khẳng định được vai trò quan trọng và là nhân tố tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến năm 2021 huyện có 05 sản phẩm được công nhận sản phẩn OCOP 3 sao, dự kiến năm 2022 huyện có thêm 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Về môi trường, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Châu Thành cơ bản đạt tiêu chuẩn; huyện có phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Đến nay trên địa bàn huyện có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng có đăng ký thủ tục môi trường và thực hiện đầy đủ và đúng các nội dung về bảo vệ môi trường đã cam kết, và có trên 98% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh. Về công tác an ninh, trật tự, trên địa bàn huyện không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Hiện nay, huyện không có xã thuộc diện trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự theo quy định của Bộ Công an.

Ngay từ khi thi triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Châu Thành thường xuyên quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội đến cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân trong huyện, phát động hưởng ứng phong trào thi đua “Châu Thành chung sức xây dựng nông thôn mới” góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để người dân cùng tham gia thực hiện, trực tiếp đóng góp vào chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Qua đó, trong suốt quá trình thực hiện huyện đã huy động được tổng nguồn lực thực hiện cho cả giai đoạn 2011-2021 trên 2.968 tỷ đồng. Trong đó, qua tuyên truyền vận động vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã thể hiện rõ nét, cộng đồng dân cư đã đóng góp số tiền gần 599 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng nguồn lực huy động. Việc huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức khác nhau như: hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động để làm thủy lợi, giao thông nông thôn, trồng cây xanh, lắp đèn chiếu sáng công cộng dọc theo các tuyến đường trục ấp, liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm,….

Qua kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Châu Thành cho thấy, kinh tế - xã hội của huyện trong những năm qua không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn năm 2010 - 2020 đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; tỷ trọng nông nghiệp 43,89%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng 30,25%; tỷ trọng dịch vụ 25,86% trong tổng sản phẩm xã hội. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 50,60 triệu đồng/người/năm, tăng 39,50 triệu đồng so với năm 2011, dự kiến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,45 triệu đồng/người/năm. Kết quả  rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg giảm 511 hộ nghèo, đạt 103% kế hoạch, số hộ nghèo còn lại 277 hộ, chiếm 0,7%; hộ cận nghèo 1.993 hộ, chiếm 5,02%. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP; qua tổng hợp sơ bộ, toàn huyện có 1.286 hộ nghèo, chiếm 3,24%, hộ cận nghèo 2.458 hộ, chiếm 6,20%. Kết quả điều tra, xác định, phân loại gia đình có mức sống trung bình, hộ có thu nhập khá, giàu theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 1326/QĐ-UBND; qua rà soát, toàn huyện có 17.268 hộ có mức sống trung bình, chiếm 43,53%; 15.813 hộ có thu nhập khá, chiếm 39,87%; 2.839 hộ có thu nhập giàu, chiếm 7,16%. Công tác quy hoạch được quan tâm tổ chức thực hiện kịp thời đúng theo quy định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội luôn được ưu tiên đầu tư xây dựng, diện mạo đô thị, nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Công tác tổ chức sản xuất được quan tâm phát triển, có nhiều hợp tác xã, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống thành viên; cảnh quan môi trường nông thôn mới xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Chất lượng hệ thống chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên. Hoạt động của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có bước đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới những năm qua, huyện Châu Thành vẫn còn một số mặt hạn chế như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa theo kịp nhu cầu và sự biến động của thị trường; nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ tuy phát triển nhưng quy mô sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh thấp; chất lượng ấp, khóm, xã, thị trấn văn háo có nơi chưa toàn diện; đào tạo nghề chưa theo kịp nhu cầu của thị trường lao động; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động chưa cao; đời sống Nhân dân tuy có nâng lên đáng kể nhưng chất lượng cuộc sống của một bộ phận dân cư có mặt còn hạn chế; tệ nạn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn ra; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân có lúc chưa được thực hiện đồng bộ; năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cấp cơ sở một số nơi còn hạn chế,…

Qua 11 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành rút ra một số kinh nghiệm sau: Một là, để xây dựng thành công nông thôn mới phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở các cấp. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm cao với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng, yêu cầu và nội dung xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới thì Chương trình mới thật sự thành công. Ba là, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phải bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của tỉnh; triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí, có lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng xã, ấp; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Bốn là, tranh thủ nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thật sự dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân phát huy vai trò, trách nhiệm, tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư.

Từ kết quả đạt được, những mặt hạn chế và những bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới huyện Châu Thành đề ra 05 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức lại sản xuất; phát triển văn hóa - xã hội và đảm bảo vệ sinh môi trường và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, huyện Châu Thành thực hiện đạt mục tiêu phấn đấu từ năm 2021 - 2025 đạt các chỉ tiêu: Nâng chất 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu có 05 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao, trong đó có 02 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Châu Thành phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, gắn quá trình xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa theo Quyết định số 676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Tuyên giáo - Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao

Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 965
  • Trong tuần: 26 847
  • Tất cả: 2402523
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CHÂU THÀNH
- Đơn vị quản lý UBND huyện Châu Thành, Số 208, đường 2/9, khóm 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đỗ Minh Tiến - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành
- Điện thoại: 02943.872072 - Fax: 02943.872072
- Địa chỉ email: chauthanh@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Châu Thành" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT